Bánh trung thu đắt đỏ đón Rằm sớm

Chưa đến tháng 7 âm lịch, bánh trung thu đã xuất hiện tại nhiều tại các cửa hàng, đại lý.
Dự báo, giá bánh năm nay tăng 10-15% so với trung thu 2010.
So với 2010, giá bánh các loại của Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị, Đồng Khánh, Tràng An… năm nay tăng từ 10-20%. Theo các DN, nguyên nhân tăng giá là do chi phí sản xuất, giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Những mẻ bánh đầu tiên của các DN đến nay đã bắt đầu có mặt trên thị trường. Giá các loại bánh nướng phổ biến ở mức 35.000-45.000 đồng/bánh (loại 1 trứng), 55.000-85.000 đồng/bánh (loại 2 trứng), 180.000-250.000 đồng/bánh (loại 4 trứng)…
Đại diện của Kinh Đô cho hay, công ty đang đưa ra thị trường 2.000 tấn bánh Trung thu các loại. Trong đó, dòng sản phẩm Trăng Vàng cao cấp tăng 20% sản lượng so với năm 2010. Giá bánh Kinh Đô cũng sẽ tăng từ 10-20%.
Còn Bibica với sản lượng hơn 500 tấn, tăng 15% và giá cũng tăng 15-18% tùy loại. Các chủ cơ sở sản xuất bánh nhỏ lẻ ở Hà Nội cũng thông báo, giá bánh Trung thu năm nay sẽ tăng vì giá nguyên liệu đầu vào và nhân công tăng khoảng 20-30%.
1312248145 banhtrungthu12 Bánh trung thu đắt đỏ đón Rằm sớm
Bánh Trung thu tăng giá do nguyên liệu tăng

Lý giải điều này, ông Phan Văn Thiện – Phó Tổng giám đốc Công ty Bibica – cho rằng, giá nguyên liệu năm nay tăng khá cao. Hầu hết các nguyên liệu đầu vào tăng từ 30-50% so với năm ngoái. Các mặt hàng chủ lực sản xuất bánh như cơm dừa, trứng vịt muối, thịt heo, đậu xanh… đều tăng mạnh. Tuy giá nguyên liệu tăng, nhưng giá bánh sẽ được điều chỉnh tăng thấp hơn mức tăng của giá nguyên liệu chỉ khoảng 15-30% để giữ thị phần.
Dù còn xa mới đến Trung thu nhưng sự xuất hiện của các loại bánh Trung thu đã ngay lập tức thu hút được nhiều người tiêu dùng. Chị Nguyễn Hạnh Mùi (ở Ngõ Thái Thịnh II, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại bánh Trung thu của các hãng, nhưng giá cao hơn năm trước. Lại có thông tin nói bánh trung thu Trung Quốc để 3 năm không hỏng. Tôi sợ quá, nếu có mua cũng phải chọn lựa kỹ càng. Loại vừa tiền nhưng cốt lõi là phải đảm bảo chất lượng”.
Nắm được tâm lý này, các DN đã có nhiều cải tiến trong nguyên liệu và chế biến, tạo nét đặc trưng riêng. Cụ thể, năm nay bánh trung thu được nâng cấp, với công thức giảm ngọt, nhân bánh được cải tiến dẻo hơn, ngon hơn và chú trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chẳng hạn, dòng bánh Trung thu Xanh của Kinh Đô có 100% thành phần thực vật tự nhiên, giá dao động từ 40.000 – 53.000 đồng/bánh; dòng cao cấp Trăng Vàng “xịn” hơn, có nhân làm bằng tổ yến, bào ngư… đắt nhất lên tới 2 triệu đồng/hộp 8 bánh và thấp nhất là 430.000 đồng/hộp 4 bánh.
Dòng bánh cao cấp của Bibica giá dao động từ 390.000 đồng/hộp 4 bánh đến 1.200.000 đồng/hộp 8 bánh.
Theo bà Nguyễn Hoàng Thủy – Chủ cửa hàng bánh kẹo 75 Tô Hiến Thành, Hà Nội – do lạm phát tăng cao, giá cả đắt đỏ nên người tiêu dùng trong nước có xu hướng giảm chi tiêu, thắt chặt hầu bao.
Bánh trung thu “nội” dự báo sẽ được tiêu thụ khá mạnh, đặc biệt là của các hãng uy tín, chất lượng đảm bảo. Bên cạnh đó, hàng ngoại chỉ chiếm khoảng 20-25% lượng tiêu thụ do giá đắt đỏ hơn nhiều.
Đối với dòng bánh truyền thống, các cơ sở đang nỗ lực để làm mới sản phẩm của mình. Chị Lê Thị Minh Hương -khách mua bánh kẹo tại cửa hàng Gia Thịnh (Hàng Đường, Hà Nội) – cho biết: “Các sản phẩm của Trung Quốc mặc dù giá rẻ nhưng không đảm bảo chất lượng. Tôi đã chọn mua các sản phẩm uy tín trong nước. Nếu có thắc mắc về chất lượng hay giá của sản phẩm thì tôi có thể liên hệ trực tiếp với các cửa hàng hoặc nhà sản xuất để được giải đáp”.
“Nếu như năm trước, nói đến bánh Trung thu cổ truyền khá nhiều người xếp vào hàng “đàn em”, không mua vì cho rằng mất vệ sinh. Tuy nhiên, năm nay rất nhiều người vẫn chọn mua bánh Trung thu cổ truyền để tặng biếu và làm cỗ ngắm trăng cho gia đình mình bất kể các dòng bánh cao cấp được bày bán với những dòng quảng cáo hoành tráng” – bà Thuỷ nhận xét.