Thị trường Sôi động nhờ bánh trung thu năm 2011

Còn khoảng hơn một tháng nữa mới đến rằm tháng tám nhưng gian hàng giới thiệu sản phẩm này đã mọc lên như nấm. Thậm chí, tin tức rao bán bánh trung thu với chiết khấu lớn đã ngập tràn trên trên mạng từ nửa tháng nay.
Kinh doanh bánh trung thu mang lại lớn vì chiết khấu lớn. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc
Kinh doanh bánh trung thu mang lại lớn vì chiết khấu lớn. Ảnh minh họa: Xuân Ngọc
Chị Nguyễn Cẩm Ly, chủ một cửa hàng đại lý trên phố Tây Sơn cho hay, lô bánh sản xuất đầu tháng 8 của mỗi hãng Kinh Đô, Hà Nội, Hữu Nghị... chị đều đã nhập 100 bánh nướng, 100 bánh dẻo và 10 hộp bánh hạng sang. Chị Ly cho hay, số bánh đó đều có hạn sử dụng qua ngày Rằm nên có thể bán từ giờ đến giữa tháng 9.
Với quy mô kinh doanh lớn hơn, anh Thắng, chủ một gian hàng giới thiệu sản phẩm trên phố Cát Linh còn nhập tới 500 chiếc của mỗi hãng, chia đều cho hai loại bánh nướng và bánh dẻo, cùng 20 hộp bánh loại đắt tiền. Anh cho biết, năm nay anh nhập nhiều hơn năm trước 10%. Số bánh đó được anh cùng một người bạn chung vốn, chia bán ở hai điểm là Cát Linh và Giảng Võ.
“Mình cùng ông bạn đều hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Nhưng mấy năm nay, cứ chuẩn bị đến Rằm Tháng 8 là góp vốn, nhập hàng để bán. Mỗi người chỉ cần đóng khoảng 20 triệu nhưng sau mỗi vụ cũng thu được số tiền lãi kha khá”, anh Thắng tâm sự.
Được hưởng chiết khấu lên tới 10-25% được xem là nguyên nhân chính khiến nhiều người hào hứng buôn bánh trung thu đến vậy.
Theo tìm hiểu của VnExpress.net, với hầu hết các hãng sản xuất bánh trung thu, khách mua từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng thì được giảm 10%. Hóa đơn từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng được chiết khấu 15%-22%. Cao nhất, mức chiết khấu 25% dành cho những người nhập hàng trên 30 triệu đồng.
Như vậy, với mỗi hãng, chủ đại lý chỉ cần nhập 100 chiếc bánh, giá trung bình 40.000 đồng cùng 10 hộp loại tiền triệu thì hóa đơn đã lên đến 15 triệu đồng. Mức đó, họ được hưởng chiết khấu 15%, tương đương với gần 2,3 triệu đồng. Con số đó nhân lên gấp 3-5 lần tùy thuộc vào số lượng hãng bánh trung thu mà cửa hàng đó liên kết.
Còn với những gian hàng giới thiệu sản phẩm, kinh doanh với quy mô hàng nghìn chiếc thì số lãi lên đến ngưỡng vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu. Anh Thắng cho biết, anh nhập 500 chiếc bánh với đủ các loại, từ bánh chay, bánh nhân một trứng, hai trứng… cùng 20 hộp bánh loại sang thì hóa đơn giao dịch với mỗi hãng là gần 40 triệu đồng, anh được hưởng chiết khấu 25%, tương đương với khoảng 10 triệu đồng.
Anh Thắng bật mí, bước đầu nhập với số lượng thăm dò như vậy của 5 doanh nghiệp sản xuất bánh lớn, anh cùng người bạn cũng đã thu được trên dưới 50 triệu đồng. Nhưng, theo anh dự đoán, từ giờ đến hết ngày Rằm, các anh sẽ lấy thêm khoảng 3-4 đợt bánh nữa.
"‘Mỡ nó rán nó’, đem tiền bán được để nhập hàng chứ cũng không phải đầu tư thêm. Trừ chi phí thuê địa điểm và nhân công, cuối đợt, mỗi người cũng lãi được ngót nghét trăm triệu đồng, dù vốn ban đầu bỏ ra chỉ khoảng 20 triệu đồng”, anh Thắng cho biết.
Thêm đó, theo những người kinh doanh, vào mỗi đợt Rằm Tháng tám, bánh trung thu là mặt hàng khá dễ tiêu thụ, nên để kiếm được vài triệu đến hơn chục triệu đồng tiền lãi là không khó. Vì vào thời gian này, hầu như gia đình nào cũng đều phải mua đến vài ba hộp bánh để sử dụng và đem biếu họ hàng, người thân.
Cô Mỹ, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Than Nhàn cho biết, mỗi năm chỉ có một lần nên những người thích hay không cũng đều mua lấy vài ba chiếc để thắp hương. Đó là chưa kể, biếu xén những dịp này đã thành thông lệ nên bán khoảng 300 chiếc trong vòng hơn một tháng, ăn lãi 7-8 triệu đồng thì cũng không khó”, cô Mỹ giải thích