Trung thu ăn bánh trăng

Bánh trung thu mua về, không phải xẻ làm tư, làm tám cho vào miệng là ăn. Nhấp ngụm trà, nhâm nhi miếng bánh còn là một thú vui tao nhã.
Nói đến Tết Trung thu thì phải có bánh trung thu. Người Việt, người Hoa có tục lệ đón Tết trung thu và thưởng thức bánh gần giống nhau, nghĩa là vào ngày 14 tháng Tám Âm lịch hàng năm. Điều đó mọi người đều biết, nhưng không phải ai cũng rõ tại sao chúng ta chỉ ăn món bánh gọi là bánh trung thu trong dịp này, chứ không phải món nào khác.
Nhân dịp trung thu, tôi lược qua đôi điều gọi là “thưởng trăng ăn bánh trăng”.
Xuất xứ của bánh trăng hay bánh trung thu
banh2 Trung thu ăn bánh trăng
Trăng là nguyệt, theo nghĩa chữ Hán. Câu chuyện bắt đầu từ nàng Hằng Nga trên cung Quảng Hàn. Ngày xưa, theo thần thoại, người ta còn gọi Hằng Nga bằng tên tộc là Thường Nga. Chuyện “Thường Nga bôn nguyệt” (Thường Nga du nguyệt điện) sẽ cho bạn biết nguyên do nào có tục lệ ăn bánh trung thu. Đó cũng là thời điểm ra đời của món bánh mà ngày nay, mọi người đều biết, đều thích ăn.
Thường Nga có nhan sắc tuyệt trần, thế gian chỉ có một. Nàng chấp nhận sống với một người chồng bình thường, thanh bần, tên là Hậu Nghệ. Hai vợ chồng hưởng hạnh phúc bình dị chưa được bao lâu, bỗng một hôm, tin dữ đến với họ.
Nhà vua nghe lời sàm tấu, truyền Hậu Nghệ vào cung và ra lệnh: Một là tiến cung Thường Nga, đổi lại vua sẽ cắt cho một vùng đất đai rộng lớn để có cuộc sống giàu sang, sung sướng. Hai là phải chịu chết do kháng lệnh.
Lúc đầu, Hậu Nghệ quyết liệt từ chối, nhưng khi bị áp giải ra pháp trường, anh sợ hãi, đành theo ý vua.
Hay tin dữ, Thường Nga quyết bỏ đi thật xa để không ai có thể theo tìm. Trong thời gian chung sống, Thường Nga biết Hậu Nghệ có một bình thuốc tiên, uống vào có thể đằng vân vạn dặm. Nàng uống hết bình thuốc, bay lên tận cung Quảng Hàn, còn gọi là cung trăng và ở đó vĩnh viễn.
Hậu Nghệ hối hận thì đã muộn. Anh buồn khổ, ngày đêm khóc lóc, đau khổ. Không đành lòng nhìn chồng sầu bi nhưng đã trót bay lên cung trăng, Thường Nga không thể trở về mặt đất.
Thường Nga được biết, cứ đến ngày rằm tháng Tám hàng năm, tức giữa mùa thu, mặt trăng gần với trần gian nhất. Nàng đợi đúng ngày ấy, báo tin về cho chồng bằng cách ném vài hòn đất trăng xuống mặt đất.
Thường Nga mách cho Hậu Nghệ một cách liên lạc rất hiệu quả và thú vị: Lấy bột nắn thành những chiếc bánh hình tròn như mặt trăng, gói bên trong những loại nhân ngọt, bùi, thơm để gửi đến nhau. Bánh đấy được gọi là bánh trăng vì nó tròn như mặt trăng đêm rằm.
Từ đó về sau, để tưởng nhớ mối lương duyên trắc trở của Hằng Nga – Hậu Nghệ, nhân gian duy trì tục lệ làm bánh trăng (hay còn gọi là bánh trung thu) vào dịp rằm tháng Tám hàng năm.
Hình dáng và nhân bánh thay đổi theo thời gian
Khi cả gia đình sum vầy trong đêm rằm, xẻ bánh trung thu , câu chuyện về Hằng Nga – Hậu Nghệ và một số sự tích khác lại được mang ra kể, làm đậm đà thêm cho câu chuyện. Người già chậm rãi kể, cháu con xúm xít nghe, thỉnh thoảng lại đặt những câu hỏi ngây thơ, đáng yêu.
Không gì… vô duyên bằng ăn bánh trung thu nhưng lại uống nước ngọt! Do vậy, hễ nói đến thưởng thức hương vị của bánh trung thu, phải có trà ngon.
Hôm đó, cách nay hơn hai chục năm, tại ngôi nhà cổ của ông Hoàng Phúc (một nhà sưu tầm đồ cổ gốc người Phúc Kiến, Trung Hoa) ở Chợ Lớn, tôi là bậc hậu bối được vinh hạnh có mặt trong buổi thưởng trăng.
Một khách quý khác có mặt hôm ấy là học giả Vương Hồng Sển. Cụ vốn là người cực kỳ sắc sảo trong thú chơi cổ vật và sành về thưởng thức các món ngon.
Cụ Hoàng Phúc bày ra đĩa sứ bốn chiếc bánh trung thu có hình dáng và màu sắc khác nhau. Cụ chỉ một cái bánh nướng tròn vành vạnh như mặt trăng rồi bảo:
- Đây là bánh sản xuất tại Hồng Kông. Nó có hình tròn như mặt trăng, tức trung thành với hình dáng của bánh nguyên thủy ngày xưa, theo tích xưa Hậu Nghệ dùng để ném lên cung trăng cho Hằng Nga. Còn hai cái bánh hình vuông này sản xuất tại Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh). Sở dĩ nó có hình vuông vì người ta lấy ý trời tròn đất vuông như hiểu biết của thời xưa. Nhìn bánh là biết ngay sản xuất ở đâu.
Cụ Vương với giọng hóm hỉnh vốn có, tiếp lời:
- Ở Sài Gòn ngày xưa, người ta thường đưa hối lộ cho quan trên bằng cách giấu vàng hoặc hột xoàn trong nhân bánh. Để không nhầm lẫn bánh nào có vàng, hột xoàn trong ruột, các quan cứ xem nó hình vuông hay hình tròn.
Lời cụ Vương tuy mang tính hài hước, nhưng vẫn được cụ Hoàng Phúc đồng tình:
- Bánh hình gì là do con người chế biến ở mỗi thời khác nhau. Nhưng thật ra, bánh trung thu từ ngàn xưa chỉ mang hình tròn như mặt trăng. Nguyên thủy, bánh trung thu làm bằng bột gạo, vừa cứng vừa thô, chủ yếu dùng để cúng. Lâu dần, chính vì hủ tục biếu xén mang tính hối lộ nên chất liệu mới được thay đổi từ bột gạo sang bột mì. Dần dần, bánh trung thu có hình dáng bắt mắt, cầu kỳ hơn, chất lượng nhân bánh không ngừng cải tiến, cầu kỳ, hội đủ cao lương mỹ vị.
Cụ Vương nhận xét:
- Hai loại bánh trung thu ngon nhất là nhân thập cẩm và nhân trà sen.
Nghe cụ Vương nhắc đến trà, cụ Hoàng Phúc chuyển đề tài sang trà và bánh trung thu:
- Cụ Vương Hồng Sển đây đã nhiều lần kể cho tôi nghe chuyện mấy quan “bồi Tây” hồi trước ăn bánh trung thu với rượu và nước ngọt có gas. Cụ cười đến tức bụng!
Cụ Vương ý nhị:
- Thật ra, ăn và uống thứ gì là quyền và sở thích của mỗi người. Nhưng gọi là ăn đúng điệu thì phải… đúng điệu. Ăn bánh trung thu vốn ngọt đậm, không uống trà, còn gì thú vị nữa. Chú em (cụ nói với người viết bài này) hãy thử ăn một miếng bánh rồi nhấp hớp trà nguội thôi, đã thấy vô vị và khác xa với hớp trà nóng. Chú thử xem!
Đúng trà, đúng tách, bánh thêm hương vị
687banh1 Trung thu ăn bánh trăng
Quả đúng như lời cụ Vương, uống trà khi ăn bánh trung thu gần như là điều bắt buộc, nhưng phải đúng loại trà, chất trà. Cụ Hoàng Phúc còn tỉ mỉ hơn khi phân tích:
- Uống trà đen vị đậm như trà của Trung Quốc và Việt Nam, ăn với bánh ngọt như bánh trung thu thích hợp hơn các loại trà đen hạt như Lipton của châu âu hay trà bột của Nhật. Chính vì cái vị chát nặng của trà đen sẽ dẫn vị dẫn hương từ hạt sen của bánh nhân sen và nhân thập cẩm vi cá vào tận ngóc ngách của vị giác, khứu giác con người. Ăn một miếng bánh, nhấp một ngụm tà, ta mới thấy sự lâng lâng, thú vị đến quay cuồng của cái thú ẩm thực.
Ngồi nghe hai bậc tiền bối sành ăn lý luận về cách ăn bánh trung thu cho đúng điệu, tôi cảm thấy mình nhỏ bé và ngờ nghệch. Vậy mà chưa hết, hai cụ còn thêm:
- Ăn bánh trung thu, uống trà nóng và đậm là điều thú vị. Nhưng sẽ còn thú vị hơn khi uống trà trong tách sứ, bát ngọc. Đó mới là đỉnh cao của cái thú tao nhã.
Cụ Vương cầm cái tách đang uống, giải thích thêm:
- Đây là tách trà làm bằng chất liệu sứ, sản xuất tại Giang Tây bên Trung Quốc. Sứ Giang Tây nổi tiếng khắp thế giới về độ trắng trong, tinh khiết và độ mỏng không thể mỏng hơn của nó. Chú em cầm thấy nó nhẹ tênh như bông phải không? Uống trà thơm và nóng trong một chiếc tách sứ Giang Tây thú vị chẳng khác nào như Đường Minh Hoàng mơ được du nguyệt điện gặp Hằng Nga.
Ăn món ngon, phải biết cách thưởng thức
Nhìn cụ Hoàng Phúc và cụ Vương uống trà, ăn bánh trung thu, bàn chuyện thú vị, lãng mạn, tôi thấm thía vô cùng nếp phong nhã của các cụ thời xưa.
Họ cho chúng ta một bài học: ăn món ngon, phải biết cách thưởng thức. Muốn món ăn càng thêm ngon, cần ăn sao cho đúng điệu.
Ngày nay, với những cải tiến về công nghệ, nhân bánh trung thu ngày càng phong phú về chất liệu, hương vị. Hy vọng chúng ta vẫn giữ được cách ăn cổ điển nhưng đúng điệu của các cụ xưa với món bánh trung thu hiện đại. Thú tao nhã ấy, không phải nơi đâu cũng có được.